Tin nổi bật

Tin hoạt động của các Đoàn thể

Lễ hội Đại phan của bà con dân tộc Sán Dìu xã Cộng Hoà (TP Cẩm Phả) vừa được tổ chức từ ngày 20 đến 24-1-2016. Đây là hoạt động tín ngưỡng dân gian có quy mô lớn, tích hợp nhiều yếu tố văn hoá đặc trưng của dân tộc Sán Dìu như: Nghi thức thờ tự, âm nhạc, ca múa, mỹ thuật để tạ ơn đất trời, tạ ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm và cầu khấn sự chở che trong những mùa vụ tiếp theo.

 

Rước thần trong lễ hội Đại phan.
Rước thần trong lễ hội Đại phan.

Lễ hội diễn ra tại thôn Khe, xã Cộng Hoà, gồm các nghi thức như: Lễ dựng cây nêu, lễ rước thành hoàng làng, nghi thức giết lợn giết trâu để hiến tế, lễ cầu siêu cho những anh hùng liệt sĩ, nạn nhân tai nạn giao thông, những người chết do thiên tai, dịch bệnh, lễ cúng thần nước, leo lên 12 cầu thang quấn gươm để tấu thần linh, đại vương thổ địa, nghi thức đi trên đống than hồng, lễ cầu thọ, cầu tài, cầu lộc, nghi lễ cấp sắc cho những người đang học nghề thầy cúng, thi hát soọng cô và nhiều trò chơi dân gian v.v..

Giống như nhiều dân tộc khác ở Việt Nam, trong lễ hội thường không thể thiếu được một vật thiêng, đó là cây nêu (người Sán Dìu gọi là cây phan chốc); nhưng khác cây nêu ở chỗ cây phan chốc làm bằng cây tre tươi to thẳng và dài đến tận ngọn.

Trong lễ Đại phan có nghi lễ rửa tội, đó là lễ lội than. Sau khi các thầy cúng đốt củi lấy tro than trải ra thành một quãng đường dài 4 thước (khoảng 6,5m) thì những người trong làng lần lượt lội qua đường than ấy để thanh sạch tâm tư, trút bỏ phiền muộn như một cách rửa tội…

Huyền bí hơn là nghi thức leo dao của các thầy cúng. Thầy cúng chuẩn bị hai cây dao mô phỏng hình bông lúa, gọi là cây dương và cây âm. Tất cả các lưỡi dao được gắn vào thân cây đều quay lưỡi lên trên, chỉ có một lưỡi gắn trên cùng của cây âm là quay xuống đất. Mỗi cây dao có 12 lưỡi tượng trưng cho 12 tầng trời, 12 khổ nạn mà con người phải trải qua. Tất cả các lưỡi dao buộc chặt vào thân cây theo dạng một chiếc thang. Theo truyền thuyết của người Sán Dìu, xưa kia Vua Cóc phải bò qua 12 nấc thang để cầu ông trời đổ mưa. Vào ngày thứ 3 của nghi lễ, một thầy cúng sẽ làm lễ leo lên các nấc thang tái hiện truyền thuyết Vua Cóc. Leo qua 12 nấc đến nấc thang cao nhất mà không hiểu sao chân thầy cúng không đổ máu. Thầy cúng sẽ vẩy thóc gạo ra mọi phía cho mọi người ở dưới đón lấy, tượng trưng cho sự ban ơn của trời cho dân bản được no ấm, mùa màng bội thu. Đây là nghi lễ mang màu sắc tâm linh, huyền bí và quan trọng bậc nhất của người Sán Dìu.

Trước kia, lễ hội Đại phan của bà con Sán Dìu thường kéo dài trong 5 ngày 4 đêm, nay có rút ngắn đi một chút. Trong những ngày này, không kể là người Sán Dìu mà bất cứ ai đến với lễ hội đều là khách quý, được mời cơm rượu thịt, cho ngủ trọ xem lễ. Ông Tạ Văn Bảo, Trưởng Ban Tổ chức lễ Đại phan xã Cộng Hoà, cho biết: Lễ hội văn hoá tín ngưỡng của dân tộc Sán Dìu có nguồn gốc từ xa xưa các cụ để lại nhằm mục đích cầu cho mọi sự ở trên thế gian được yên vui, phát triển tốt lành. Vì thế trong những ngày diễn ra lễ hội, bà con Sán Dìu chúng tôi luôn chào đón du khách bốn phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, lễ hội Đại phan đã bị mai một khoảng mấy chục năm nay, bây giờ mới được phục dựng lại…

Người đăng tin: Hà Thị Hường

Các tin liên quan: